Trường hợp nào được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?

Trường hợp nào được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Quang Minh, tôi sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Hiện tại, tôi đang tìm hiểu các quy định pháp luật cũ về việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Ban biên tập cho tôi hỏi: Trong giai đoạn từ năm 2006-2015, những trường hợp nào được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Tôi hy vọng sớm nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập! (vinh***@gmail.com)

Theo thông tin bạn đề cập, Ban biên tập giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Trong giai đoạn từ năm 2006-2015, căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi 2005 thì những trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ;

- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;

- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ;

- Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này;

- Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận;

- Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định;

- Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu.

Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

Ngoài ra, nội dung này còn được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 38/2007/NĐ-CP về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ như sau:

Những công dân nam sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:

1. Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ.

2. Là lao động duy nhất phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.

3. Là lao động duy nhất trong gia đình vừa bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

4. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.

5. Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu.

6. Người thuộc diện di dân, dãn dân trong ba năm đầu đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.

7. Cán bộ, viên chức, công chức quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang cư trú tại địa phương hoặc người địa phương khác được điều động đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên.

8. Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận.

9. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 bao gồm:

a) Trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học;

b) Trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề;

c) Trường cao đẳng, đại học;

d) Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

10. Học sinh, sinh viên đang học tại các nhà trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam hoặc học sinh, sinh viên được đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo từ mười hai tháng trở lên.

11. Công dân đang học tập tại các trường quy định tại điểm b, điểm c khoản 9 và khoản 10 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung, nếu tiếp tục học tập ở các khoá đào tạo khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Hàng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

Trên đây là nội dung tư vấn về những trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự trong giai đoạn từ năm 2006-2015. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi 2005 và các văn bản có liên quan.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào