Tiền vé máy bay đi và về (hoặc vé tầu) của lưu học sinh Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước
Tiền vé máy bay đi và về (hoặc vé tầu) của lưu học sinh Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 4 Mục I Phần 2 Thông tư liên tịch 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Ngoại giao ban hành như sau:
4.1/ Lưu học sinh được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp phía Bạn đài thọ vé). Đối với trường hợp lưu học sinh đã tốt nghiệp về nước nhưng được xét chuyển tiếp lên trình độ cao hơn cũng được cấp vé máy bay theo nguyên tắc này.
4.2/ Vé máy bay lượt đi được cấp theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính “Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí”.
4.3/ Vé máy bay lượt về được thanh toán theo hình thức thông báo vé trả tiền trước (PTA) thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, hoặc cấp trực tiếp cho lưu học sinh qua Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hoặc các Hãng hàng không hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành. Trong trường hợp lưu học sinh tự mua vé lượt về thì khi về nước sẽ thanh toán hoàn trả cho lưu học sinh theo hoá đơn thu tiền thực tế (hợp lệ) và cuống vé máy bay (bản chính), nhưng tối đa chỉ bằng mức gửi vé PTA tại Việt Nam cho hạng thường (hạng Economy) do Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hoặc các Hãng hàng không hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã thông báo.
Trên đây là nội dung quy định về tiền vé máy bay đi và về (hoặc vé tầu) của lưu học sinh Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật