Khái niệm tình thế cấp thiết theo Luật xử lý vi phạm hành chính
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì khái niệm tình thế cấp thiết theo Luật xử lý vi phạm hành chính được quy định cụ thể như sau:
Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 còn đề cấp đến nhiều thuật ngữ khác, đơn cử như:
- Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
- Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.
- Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.
- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm tình thế cấp thiết theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật