Danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định hữu hình, cố định vô hình, cố định đặc thù của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập
Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định đặc thù của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Điều 9 Quyết định 1940/QĐ-BTC năm 2015 về Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức và các dự án có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
- Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định đặc thù của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được thực hiện theo quy định của Thông tư số 162/2014/TT-BTC và các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, cụ thể:
+ Phụ lục số 01: Thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn các loại tài sản cố định hữu hình;
+ Phụ lục số 02: Quy định thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định vô hình;
+ Phụ lục số 03: Quy định thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định đặc thù.
- Đối với tài sản cố định là xe ô tô, trường hợp cần thiết phải quy định thời gian sử dụng xe ô tô là 10 năm để phù hợp với tình hình thực tế xe ô tô hoạt động trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đánh giá thực trạng, rà soát nhu cầu báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tổng hợp gửi về Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính (quản lý nhà nước) xem xét, thống nhất làm căn cứ triển khai thực hiện.
- Trường hợp phát sinh tài sản cố định mới, trong Thông tư số 162/2014/TT-BTC và Quyết định này chưa quy định cụ thể về thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định, thì đơn vị có tài sản căn cứ tính chất, đặc điểm của tài sản đối chiếu với phân loại tài sản theo danh mục tại các Phụ lục kèm theo để xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản làm căn cứ hạch toán và theo dõi quản lý, sử dụng tại đơn vị hoặc đề xuất, tổng hợp gửi Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
- Thời gian sử dụng, tỷ lệ tính hao mòn và giá trị hao mòn tài sản cố định đối với tài sản cố định đang được theo dõi trên sổ kế toán tính đến thời điểm 31/12/2014 tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được thực hiện như sau:
+ Không thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản cố định (nguyên giá, giá trị còn lại, hao mòn tài sản cố định);
+ Việc tính hao mòn tài sản cố định năm 2014, các đơn vị áp dụng thời gian sử dụng, tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định đến thời điểm 31/12/2014 theo quy định tại Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; Công văn số 4799/BTC-KHTC ngày 01/4/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
+ Việc tính hao mòn tài sản cố định từ năm 2015 trở đi, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính căn cứ nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản cố định tính đến hết năm 2014 thực hiện tính hao mòn theo tỷ lệ hao mòn quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
(Một số ví dụ minh họa về tính hao mòn tài sản cố định kèm theo Quyết định này)
- Bộ Tài chính thực hiện việc chỉnh sửa một số nội dung liên quan đến danh mục nhóm tài sản, tỷ lệ hao mòn, cách tính hao mòn tài sản trong Chương trình phần mềm quản lý tài sản nội ngành và thông báo, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cập nhật và triển khai thực hiện.
Trên đây là nội dung câu trả lời về danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định đặc thù của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1940/QĐ-BTC năm 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật