1. Đối với định mức chi phí Tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án:
Đơn vị thực hiện thẩm tra tổng dự toán xây dựng một hồ sơ thiết kế dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án công trình gồm nhiều hạng mục, các hạng mục gồm nhiều loại công trình khác nhau, dự án dầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các hạng mục hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công cùng một thời điểm. Đơn vị thẩm tra chúng tôi tính chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình theo cách sau:
- Phân theo từng loại công trình là: công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông (từng loại công trình gồm nhiều hạng mục).
- Lấy tổng chi phí xây dựng từng loại công trình để xác định tỷ lệ phần trăm (%) tính chi phí thiết kế, chi phí quản lý dự án...theo định mức trong văn bản 1751/BXD-VP.Tư vấn thiết kế không thống nhất với các tính này với lý do cho rằng trong Nghị Định 99/2007/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản liên quan cho phép lấy chi phí xây dựng của từng hạng mục công trình trong dự án (dự án gồm nhiều hạng mục công trình) để xác định tỉ lệ phần trăm chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án theo từng hạng mục... Tổng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án là tổng hợp chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án... của từng hạng mục.
2. Trong định mức dự toán phần khảo sát xây dựng theo Văn bản 1779/BXD-VP ngày 16/08/2007 cuả Bộ Xây Dựng, phần công tác đo vẽ chi tiết bản đồ trên cạn và dưới nước tỉ lệ 1/200 và 1/500 lập với đơn vị nhỏ nhất là: 1ha, đơn giá phần khảo sát xây dựng của địa phương ban hành cũng lập với đơn vị 1ha. Trong trường hợp đo vẽ bản đồ hiện trạng diện tích thực tế nhỏ hơn 1ha thì hiện đơn vị lấy diện tích thực tế tính nội suy theo định mức; đơn giá áp dụng của 1ha đề có định mức, đơn giá theo diện tích thực tế. Áp dụng như vậy có đúng qui định hay phải tính theo đơn vị 1ha?. Công tác xác định vị trí; tọa độ; cao độ các điểm từ thiết kế ra thực địa hoặc tính toán cao độ; tọa độ của vị trí xác định đưa vào thiết kế, định mức dự toán phần khảo sát xây dựng theo Văn bản 1779/BXD-VP ngày 16/08/2007 cuả Bộ Xây Dựng không có công tác này, một số đơn vị tư vấn áp dụng định mức khảo sát 177/BXD – VKT ngày 17/07/1995 (trang 90). Kính đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng định mức công tác này cho đúng quy định.
3. Theo Thông tư 16/2008/TT-BXD ngày 11/09/2008 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn kiểm tra đủ điều kiện an toàn chịu lực. Nội dung trong Thông tư quy định một số loại và cấp công trình bắt buộc chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng, các công trình theo quy định này tại điểm 03, phần I (trang 2 trong Thông tư). Trường hợp đối với một số loại và cấp công trình không trong danh mục bắt buộc chứng nhận an toàn chịu lực và thuộc nguồn vốn nhà nước mà chủ đầu tư lại muốn chứng nhận an toàn chịu lực công trình này (thí dụ như nhà làm việc cấp III) thì thủ tục cần thiết phải như thế nào để có chi phí thực hiện? Kính đề nghị Văn phòng Bộ Xây dựng hướng dẫn để chúng tôi tư vấn đến chủ đầu tư
+ Theo qui định thì chi phí quản lý dự án được tính bằng tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị chưa có thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình được duyệt. Loại công trình để xác định mức chi phí là công trình chính của dự án. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình xác định theo hướng dẫn của văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng.
+ Theo qui định công tác đo vẽ chi tiết bản đồ trên cạn và dưới nước trong trường hợp diện tích thực tế nhỏ hơn 1ha thì áp dụng theo định mức, đơn giá đo vẽ của 1ha. Chi phí cho công tác xác định vị trí công trình có thể xác định bằng cách vận dụng định mức của các tập định mức đã ban hành, công bố của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp vận dụng không phù hợp, chủ đầu tư có thể lập định mức mới theo hướng dẫn tại thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng cho phù hợp với qui trình công nghệ và điều kiện cụ thể của công trình.
+ Trường hợp đối với một số công trình không trong danh mục bắt buộc phải chứng nhận an toàn chịu lực và thuộc nguồn vốn nhà nước mà chủ đầu tư lại muốn chứng nhận an toàn chịu lực công trình này thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.