Văn bản đến trong quân đội được giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 91/2012/TT-BQP về Quy chế công tác Văn thư, lưu trữ và bảo mật tài liệu trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành thì việc Giải quyết văn bản đến trong quân đội được quy định như sau:
- Chỉ huy trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết kịp thời văn bản đến. Chỉ huy phó của cơ quan, đơn vị được giao chỉ đạo giải quyết những văn bản đến theo sự ủy nhiệm của Chỉ huy trưởng và những văn bản đến thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Chỉ huy cơ quan, đơn vị có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính (nơi không có Văn phòng) xem xét, phân văn bản và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến.
- Cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải quyết văn bản phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu nội dung văn bản đến và đề xuất ý kiến giải quyết.
+ Đối với công việc giản đơn, đề xuất ý kiến giải quyết bằng Phiếu Trình giải quyết văn bản (Mẫu số 18, Phụ lục I Thông tư 91/2012/TT-BQP).
+ Công việc có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, đề xuất ý kiến giải quyết bằng phiếu trình giải quyết công việc.
+ Khi chỉ huy cơ quan, đơn vị cho ý kiến chỉ đạo giải quyết thì đơn vị, cá nhân có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện kịp thời và chính xác. Trường hợp trên văn bản có ghi ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền thì phải cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo bằng một văn bản khác, không được sao chụp nguyên văn bản đó để gửi đi.
Trên đây là nội dung trả lời về việc Giải quyết văn bản đến trong quân đội. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 91/2012/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật