Trình tự trình bày của đương sự, kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm
1. Trong trường hợp có đương sự vẫn giữ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát vẫn giữ kháng nghị và các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu xét xử vụ án bằng việc nghe lời trình bày của các đương sự theo thứ tự sau đây:
a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp tất cả các đương sự đều kháng cáo thì việc trình bày theo thứ tự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo là nguyên đơn và nguyên đơn; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo là bị đơn và bị đơn; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp chỉ có Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị; trong trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì các đương sự trình bày về nội dung kháng cáo và các căn cứ của việc kháng cáo trước, sau đó Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị;
b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.
2. Trong trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị và đề nghị của mình.
3. Tại phiên toà phúc thẩm, đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung chứng cứ.
Thư Viện Pháp Luật