Cơ quan, đơn vị thực hiện theo chế độ thủ trưởng trong quân đội có thẩm quyền gì trong việc ký văn bản?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 91/2012/TT-BQP Ban hành quy chế về công tác văn thư, lưu trữ và bảo mật tài liệu trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về Thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thực hiện theo chế độ thủ trưởng trong quân đội về việc ký văn bản là:
- Chỉ huy trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, đơn vị ban hành. Chỉ huy trưởng cơ quan, đơn vị có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của Chỉ huy trưởng, cấp phó ký thay phải chịu trách nhiệm trước Chỉ huy trưởng cơ quan, đơn vị và trước pháp luật.
- Chính ủy, Chính trị viên các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký các văn bản về công tác đảng, công tác chính trị. Chính ủy, Chính trị viên có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Cấp phó ký thay phải chịu trách nhiệm trước Chính ủy, Chính trị viên cơ quan, đơn vị và trước pháp luật.
- Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Chính trị viên các cơ quan, đơn vị có thể ủy quyền cho chỉ huy một số đơn vị trực thuộc ký thừa ủy quyền (TUQ.) hoặc ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa ủy quyền hoặc ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy định về công tác Văn thư của cơ quan, đơn vị. Người được ký thừa ủy quyền hoặc ký thừa lệnh không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền (hoặc ký thừa lệnh) theo thể thức và được đóng dấu của cơ quan, đơn vị ủy quyền.
Trên đây là nội dung trả lời về Thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thực hiện theo chế độ thủ trưởng trong quân đội về việc ký văn bản. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 91/2012/TT-BQP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật