Hành vi vi phạm quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới bị xử phạt ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018, xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới được quy định cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh kiểm toán nước ngoài thực hiện hành vi tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh kiểm toán nước ngoài thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo hồ sơ đề nghị đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới;
b) Cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam;
c) Tiếp tục kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam khi đã tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán, bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán hoặc đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam (nếu đã được cấp Giấy chứng nhận) trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn về Xử phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật