Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như thế nào cho đúng pháp luật?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì việc lập hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được quy định cụ thể như sau:
- Khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán phải lập hóa đơn. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này.
- Hóa đơn phải được lập theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn. Bộ Tài chính quy định thứ tự lập hóa đơn đối với trường hợp nhiều cơ sở của cùng đơn vị kế toán sử dụng chung một loại hóa đơn có cùng tên, cùng ký hiệu.
- Ngày lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các trường hợp pháp luật quy định chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thì ngày lập hóa đơn là ngày bàn giao hàng hóa.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
- Trường hợp bán hàng qua điện thoại, qua mạng; bán hàng hóa, dịch vụ cùng lúc cho nhiều người tiêu dùng, khi lập hóa đơn người bán hoặc người mua không phải ký tên theo quy định của Bộ Tài chính.
- Hóa đơn điện tử được lập xong sau khi người bán và người mua đã ký xác nhận giao dịch đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Bộ Tài chính quy định việc lập hóa đơn đối với các trường hợp cụ thể khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc lập hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật