Tranh chấp trong mua bán quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp bạn nêu hai bên chỉ làm giấy tay mua bán nên đã không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, do đó hợp đồng này chưa có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng mua bán đất của bạn do không tuân thủ quy định về hình thức và trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Trường hợp bạn và bên mua không thỏa thuận với nhau được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án. Khi Tòa án tuyên giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay đó là vô hiệu, người chuyển nhượng phải hoàn trả cho bên kia số tiền đã nhận. Bên nhận chuyển nhượng phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên chuyển nhượng. Và như vậy thì việc đặt cọc trong trường hợp này cũng không có ý nghĩa gì. Trong trường hợp giao kết, hợp đồng đã vô hiệu thì đương nhiên đặt cọc cũng không có hiệu lực, bên nhận đặt cọc phải trả lại tiền cho bên đặt cọc.
Thư Viện Pháp Luật