Xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
Theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định cụ thể như sau:
- Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
- Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000:
+ Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;
+ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn về xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật