Yêu cầu đối với Sàn nâng dùng để nâng người được quy định như thế nào?

Yêu cầu đối với Sàn nâng dùng để nâng người được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Thành Vinh, hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Dĩ An, Bình Dương. Có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là yêu cầu đối với Sàn nâng dùng để nâng người được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Yêu cầu đối với Sàn nâng dùng để nâng người được quy định tại Tiểu mục 2.1 Mục 2 Thông tư 48/2015/TT-BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với Sàn nâng dùng để nâng người do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cụ thể như sau:

- Chiều cao lan can của sàn nâng không được thấp hơn 1100mm được tính từ mặt sàn nâng đến điểm trên cùng của lan can. Khoảng cách của thanh nằm giữa của lan can với mép trên của tấm chống vật rơi không vượt quá 550mm. Tấm chống vật rơi có chiều cao không thấp hơn 100 mm tính từ mặt trên của sàn nâng.

- Kích thước của sàn làm việc phải phù hợp với số người được phép làm việc trên sàn và các dụng cụ, vật liệu mang theo. Chiều rộng của sàn làm việc không nhỏ hơn 500mm. Diện tích làm việc của sàn nâng không nhỏ hơn 0,25 m2/người.

- Mặt thao tác của sàn làm việc phải là mặt chống trượt được gắn chặt vào mặt sàn và chỉ có thể gỡ bỏ khi thật sự cần thiết.

- Lỗ hổng trên mặt sàn thao tác phải có kích thước đủ nhỏ để ngăn ngừa không cho các vật liệu tương tự khối cầu có đường kính 15mm lọt qua.

- Phải thiết kế các điểm thoát nước thích hợp để chống việc đọng nước trên mặt sàn.

- Sàn làm việc trên cao dạng treo phải được trang bị các dụng cụ thoát hiểm cho người vận hành trong trường hợp mất điện.

- Cửa sàn làm việc phải được chế tạo để có thể đóng lại và giữ chặt ở vị trí cố định. Cửa chỉ mở trong trường hợp cần thiết do chủ ý của người vận hành và phải đảm bảo an toàn.

- Các sàn nâng phải trang bị các phương tiện để tránh việc va chạm với các vật khác xung quanh và không gây nguy hiểm cho người hay khu vực xung quanh.

- Phải trang bị cho hệ thống sàn nâng thiết bị để hạn chế tốc độ chuyển động của sàn làm việc, khi tốc độ chuyển động vượt quá 1,4 lần tốc độ thì phải được hạn chế ngay.

- Công tắc điện điều khiển sàn nâng phải được đặt ở vị trí dễ dàng tiếp cận, tại một vị trí an toàn để có thể ngắt kết nối bằng cách sử dụng ổ khóa hoặc các thiết bị tương đương để ngăn chặn việc vận hành vô ý hoặc của những người không có thẩm quyền. Ngoài ra phải bố trí thêm một công tắc dừng khẩn cấp lắp ngay tại vị trí người vận hành để khi gặp sự cố có thể dễ dàng dừng hoạt động của sàn nâng.

- Các phần phía trên mặt sàn và khu vực có người vận hành phải không có các cạnh sắc hoặc phần nhô ra có thể gây chấn thương cho người.

- Đối với các sàn nâng sử dụng cho công tác lắp đặt điện thì sàn phải được cách điện với đất để tránh gây điện giật cho người thao tác trên sàn.

- Các thay đổi hoặc bổ sung đối với sàn nâng chỉ được thực hiện nếu được sự cho phép cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là nội dung câu trả lời về những yêu cầu đối với Sàn nâng dùng để nâng người. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 48/2015/TT-BLĐTBXH.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào