Các hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì các hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở được hướng dẫn bởi Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Trên đây là nội dung tư vấn về các hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Nhà ở 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật