Phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy từ 02 lần trở lên thì bị xử phạt như thế nào?
Khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
- Tái phạm nguy hiểm.
Căn cứ quy định mà Ban biên tập đã trích dẫn trên đây thì người nào phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy từ 02 lần trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5 Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức, mức xử phạt đối với người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy từ 02 lần trở lên. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ luật hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật