Hình thức hỗ trợ đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) năm 1998
Theo quy định tại Chương 2 Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) 1998 thì hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định cụ thể như sau:
Điều 6
1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
2. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của nhà đầu tư, thì nhà đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo thời giá thị trường tại thời điểm công bố quyết định trưng mua hoặc trưng dụng và được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn thích hợp.
3. Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật mà làm thiệt hại đến lợi ích của nhà đầu tư, thì Nhà nước cho phép nhà đầu tư được tiếp tục hưởng các ưu đãi đã quy định cho thời gian còn lại hoặc Nhà nước giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho nhà đầu tư.
Điều 7
Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư có mặt bằng hoặc mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh:
1. Giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự;
2. Công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và quỹ đất chưa sử dụng, đất đang có nhu cầu giao và cho thuê của từng địa phương;
3. Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể những trường hợp nhà đầu tư được quyền chuyển đổi, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê lại, quyền thế chấp, quyền thừa kế đối với đất được giao và đất thuê.
Điều 8
Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư như sau:
1. Xây dựng các khu công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nhà đầu tư sử dụng làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh với các điều kiện ưu đãi;
2. Xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh;
3. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc khu kinh tế.
Điều 9
Nhà nước góp vốn vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đóng tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hôi đặc biệt khó khăn thông qua các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng của Nhà nước.
Điều 10
Nhà nước lập và khuyến khích lập các Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn góp của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Quỹ hỗ trợ đầu tư cho vay đầu tư trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi, trợ cấp một phần lãi suất cho các dự án đầu tư được ưu đãi, bảo lãnh tín dụng đầu tư. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, kinh doanh hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu.
Hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng.
Điều 11
1. Nhà nước khuyến khích việc phổ biến và chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện cho nhà đầu tư được sử dụng với mức phí ưu đãi các công nghệ tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước.
2. Nhà nước lập Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn góp của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư vay với các điều kiện thuận lợi, lãi suất ưu đãi để nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ do Chính phủ quy định.
Điều 12
Nhà nước khuyến khích các hoạt động hỗ trợ đầu tư sau đây:
1. Tư vấn về pháp lý, đầu tư, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp;
2. Đào tạo nghề, cán bộ kỹ thuật; bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn và quản lý kinh tế;
3. Cung cấp thông tin về thị trường, khoa học - kỹ thuật, công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;
4. Tiếp thị, xúc tiến thương mại;
5. Thành lập các hiệp hội ngành nghề sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội xuất khẩu.
Điều 13
Dự án đầu tư của các nhà đầu tư thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này được áp dụng cùng một mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, chịu cùng mức thuế, được hưởng cùng mức ưu đãi đầu tư.
Điều 14
Trong trường hợp chuyên gia, lao động kỹ thuật trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ, nhà đầu tư được thuê chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước được chuyển ra nước ngoài phần thu nhập sau khi nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức hỗ trợ đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) 1998. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) 1998.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật