Mục đích và nguyên tắc kiểm tra việc thực hiện văn bản, nhiệm vụ được giao trong hoạt động Giáo dục
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 20 Quyết định 4388/QĐ-BGDĐT năm 2017 về quy chế làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung này được quy định cụ thể như sau:
1. Mục đích kiểm tra
a) Đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ về các công việc được giao; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
b) Đảm bảo hoạt động chỉ đạo điều hành được thông suốt; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống hành chính nhà nước; chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện tiêu cực trong quản lý nhà nước.
c) Đề cao ý thức kỷ luật và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ và công chức, viên chức, người lao động.
2. Nguyên tắc kiểm tra
a) Kiểm tra được tiến hành thường xuyên và có kế hoạch, đồng thời phải có sự phối hợp để tránh chồng chéo.
b) Kiểm tra phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật, không gây phiền hà và không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng kiểm tra.
c) Kết thúc kiểm tra phải có kết luận rõ ràng, nếu phát hiện có sai phạm phải xử lý thỏa đáng.
3. Phạm vi và đối tượng kiểm tra
a) Phạm vi kiểm tra: kiểm tra việc thi hành các văn bản của cấp trên và của Bộ ban hành.
b) Đối tượng kiểm tra: các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý.
c) Việc kiểm tra đối với các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc ban hành và thi hành các văn bản có liên quan đến giáo dục và đào tạo được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là là nội dung tư vấn về Mục đích và nguyên tắc kiểm tra việc thực hiện văn bản, nhiệm vụ được giao trong hoạt động Giáo dục. Để hiểu rõ hơn vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 4388/QĐ-BGDĐT năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật