Cơ quan nào có thẩm quyền bắt giữ tàu biển?
Ngày 27/8/2008, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008. Pháp lệnh này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và thẩm quyền, trình tự, thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ.
Theo đó, thẩm quyền bắt giữ tàu biển là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008. Cụ thể như sau:
1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa (sau đây gọi là cảng) mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài.
Trường hợp cảng có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó.
2. Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ án dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trên đây là nội dung hỗ trợ đối với thắc mắc của bạn về thẩm quyền bắt giữ tàu biển. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật