Kinh phí bảo trì luồng hàng hải, giá trị sản phẩm tận thu được lấy từ đâu?
Bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm là việc Nhà nước giao cho doanh nghiệp thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm để thanh toán kinh phí bảo trì tài sản. Hình thức bảo trì này được áp dụng đối với việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải có sản phẩm tận thu.
Theo đó, nguồn kinh phí bảo trì luồng hàng hải, giá trị sản phẩm tận thu được quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 43/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, cụ thể như sau:
- Kinh phí bảo trì luồng hàng hải được xác định và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan;
- Giá trị sản phẩm tận thu được xác định trên cơ sở khối lượng (trữ lượng) sản phẩm tận thu, giá sản phẩm tận thu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật; không bao gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nguồn kinh phí bảo trì luồng hàng hải, giá trị sản phẩm tận thu. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 43/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật