Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 4388/QĐ-BGDĐT năm 2017 về quy chế làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung này được quy định cụ thể như sau:
1. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và của Bộ. Điều hành đơn vị chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở.
2. Dự họp giao ban định kỳ của Bộ và các cuộc họp khác do lãnh đạo Bộ triệu tập (nếu vắng mặt phải báo cáo lãnh đạo Bộ chủ trì cuộc họp thông qua Văn phòng và cử một cấp phó dự họp thay). Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kết luận của lãnh đạo Bộ, kế hoạch công tác năm, quý và tháng của đơn vị sau khi được lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt.
3. Quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định và theo sự phân công, ủy quyền của Bộ trưởng; xây dựng và kiểm tra việc thực hiện nội quy làm việc trong đơn vị theo hướng dẫn của Bộ; tổ chức và chủ trì các cuộc họp sơ kết, tổng kết, kiểm điểm công tác của đơn vị; định kỳ đánh giá và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị theo quy định, đảm bảo khách quan, công bằng.
4. Đối với các đơn vị có tổ chức phòng và tương đương, người đứng đầu đơn vị quy định trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; quyết định bố trí, điều động công chức không giữ chức vụ quản lý làm việc tại các phòng của đơn vị sau khi xin ý kiến của Bộ trưởng, gửi Vụ Tổ chức cán bộ để theo dõi, tổng hợp.
5. Người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ đi công tác hoặc nghỉ phép 01 (một) ngày làm việc phải báo cáo và được sự đồng ý của Thứ trưởng phụ trách, từ 02 (hai) ngày làm việc trở lên phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng; phải thông báo cho Chánh Văn phòng biết và ủy quyền cho một cấp phó giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của mình. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị, trước Bộ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của đơn vị trong thời gian được ủy quyền và có trách nhiệm báo cáo với người đứng đầu đơn vị kết quả công việc trong thời gian được ủy quyền.
6. Ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên, Chánh Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Là người phát ngôn chính thức của Bộ.
b) Tổng hợp trình Bộ trưởng, các Thứ trưởng thông qua chương trình công tác tuần, tháng, quý của Bộ; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ giao; tham mưu, đề xuất các giải pháp trong quá trình chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ.
c) Báo cáo kịp thời Bộ trưởng và các Thứ trưởng về hoạt động, điều hành chung của lãnh đạo Bộ; truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
d) Theo dõi, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị các đề án, dự án, chương trình đã được Bộ trưởng, các Thứ trưởng giao; chỉ đạo, kiểm tra về trình tự, thủ tục, thể thức hành chính của các đề án, dự án, chương trình và tham mưu tổng hợp trước khi trình Bộ trưởng.
đ) Tổ chức ghi biên bản và ký thông báo kết luận của Bộ trưởng tại các cuộc họp giao ban định kỳ hoặc đột xuất của Bộ. Trình lãnh đạo Bộ phê duyệt và ký thông báo kết luận các cuộc họp, làm việc khác do các đơn vị chủ trì soạn thảo.
e) Bảo đảm điều kiện làm việc cho các hoạt động chung của Bộ theo quy định của Nhà nước và của Bộ.
Trên đây là nội dung tư vấn về Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để hiểu rõ hơn vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 4388/QĐ-BGDĐT năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật