Lực lượng cảnh sát cơ động được điều động ra sao?

Việc điều động lực lượng cảnh sát cơ động được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm nghề tự do tại Đà Nẵng. Khi đọc báo, theo dõi tin tức, tôi thấy một vài bài viết, thông tin có đề cập đến hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát cơ động được điều động ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!  Duy Khanh (0907****)

Ngày 23/12/2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Theo đó, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Việc điều động lực lượng cảnh sát cơ động là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Cụ thể như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc.

2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an; trường hợp cần điều động lực lượng quy mô lớn hơn hoặc điều động đơn vị Cảnh sát cơ động được giao quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh này theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong địa bàn quản lý, kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Chỉ huy cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập có quyền điều động lực lượng thuộc quyền tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và phải kịp thời báo cáo chỉ huy cấp trên.

5. Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động có quyền điều động, sử dụng lực lượng thuộc quyền để tiến hành các hoạt động vũ trang theo kế hoạch huấn luyện, diễn tập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Việc điều động Cảnh sát cơ động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp trong việc điều động Cảnh sát cơ động tại địa bàn.

Trên đây là nội dung hỗ trợ đối với thắc mắc của bạn về việc điều động lực lượng cảnh sát cơ động. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào