Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức có bắt buộc phải công chứng, chứng thực không?
Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở được quy định cụ thể như sau:
- Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
- Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
- Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
Căn cứ quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 mà Ban biên tập đã trích dẫn trên đây thì hợp đồng góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức không bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Nhà ở 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật