Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan trong hoạt động đối ngoại
Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trong hoạt động đối ngoại được quy định tại Điều 11 Nghị quyết 1170/2016/NQ-UBTVQH13 Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội, cụ thể như sau:
- Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Thực hiện quan hệ đối ngoại với cơ quan hữu quan của Quốc hội các nước, cơ quan hữu quan khác của nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế theo chính sách đối ngoại của Nhà nước;
+ Phối hợp với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế; tham gia với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội triển khai công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội;
+ Chủ động đề xuất, dự kiến chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm của mình;
+ Cử thành viên, công chức Vụ giúp việc tham gia hoạt động đối ngoại khi có yêu cầu;
+ Tham gia công tác giám sát các cơ quan đại diện ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trực tiếp hoặc phối hợp giám sát việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về người Việt Nam ở nước ngoài;
+ Trước kỳ họp Quốc hội cuối năm, gửi báo cáo công tác đối ngoại tới Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng gửi Ủy ban đối ngoại của Quốc hội để tổng hợp và gửi Văn phòng Quốc hội để đưa lên cổng thông tin điện tử Quốc hội. Báo cáo gồm các văn bản sau đây: Bảng tổng hợp kế hoạch đoàn ra - vào đã thực hiện trong năm (mẫu số 01); Bảng tổng hợp nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đi công tác nước ngoài trong năm (mẫu số 02); Bảng tổng hợp kế hoạch đoàn ra năm tiếp theo (mẫu số 03); Tổng hợp kế hoạch đoàn vào năm tiếp theo (mẫu số 04); Báo cáo kết quả hội nghị, hội thảo quốc tế (mẫu số 05).
- Đại biểu Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Khi được mời hoặc được yêu cầu, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại nhân dân ở trong nước và nước ngoài;
+ Trường hợp đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động đối ngoại ở nước ngoài với danh nghĩa đại biểu Quốc hội thì phải có văn bản gửi Ủy ban đối ngoại của Quốc hội để trình xin ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị quyết 1170/2016/NQ-UBTVQH13.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật