Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về lao động, tiền lương
Ngày 02/10/2015, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về lao động, tiền lương là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV. Cụ thể bao gồm:
a) Hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; chế độ đối với người lao động trong sắp xếp, tổ chức lại và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp cổ phần hóa, giao, bán doanh nghiệp;
b) Hướng dẫn việc thực hiện chế độ tiền lương theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác;
d) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cho thuê lại lao động tại địa phương;
đ) Thống kê số lượng các doanh nghiệp cho thuê lại lao động, thực hiện việc cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động và số lượng người lao động thuê lại.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về lao động, tiền lương. Để nắm rõ hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật