Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Ngày 20/4/2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Theo đó, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Cụ thể như sau:
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình;
c) ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật