Kiểm tra động cơ đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng

Kiểm tra động cơ đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Quang Thắng. Đang tìm hiểu quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là việc kiểm tra động cơ đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Kiểm tra động cơ đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng được quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư 31/2011/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Bộ Giao thông vận tải ban hành, và được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Thông tư 55/2014/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

- Đúng kiểu loại hoặc loại có công suất tương đương. Công suất động cơ cho 01 tấn khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe ô tô phải đạt từ 7,35 kW trở lên (yêu cầu này không áp dụng cho xe chuyên dùng, xe điện và xe có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông từ 30 tấn trở lên). Trường hợp xe cơ giới có công suất động cơ cho 01 tấn khối lượng toàn bộ của xe không thỏa mãn yêu cầu thì Cơ quan kiểm tra sẽ điều chỉnh lại khối lượng chuyên chở và khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe cho phù hợp với quy định

- Không có hiện tượng rò rỉ thành giọt của nhiên liệu, dầu bôi trơn và nước làm mát;

- Động cơ phải hoạt động được khi khởi động bằng máy khởi động điện liên tiếp không quá 3 lần, mỗi lần không quá 5 giây;

- Động cơ phải hoạt động ổn định ở chế độ vòng quay không tải; không có tiếng gõ lạ;

- Áp suất dầu bôi trơn, nhiệt độ nước làm mát khi động cơ làm việc ổn định phải nằm trong giới hạn cho phép;

- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải động cơ phải thỏa mãn quy định sau đây:

+ Đối với phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức, 4 kỳ: hàm lượng CO không vượt quá 3,0 % thể tích; hàm lượng HC không vượt quá 600 ppm thể tích;

+ Đối với phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức, 2 kỳ: hàm lượng CO không vượt quá 3,0 % thể tích; hàm lượng HC không vượt quá 7800 ppm thể tích;

+ Đối với phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức, loại đặc biệt (là các loại động cơ như động cơ Wankel và một số loại động cơ khác có kết cấu đặc biệt khác với kết cấu của các loại động cơ có píttông, vòng găng (xéc măng) thông dụng hiện nay): hàm lượng CO không vượt quá 3,0 % thể tích; hàm lượng HC không vượt quá 3300 ppm thể tích;

+ Đối với phương tiện lắp động cơ cháy do nén: độ khói không vượt quá 60% HSU;

- Tiếng ồn do xe phát ra khi đỗ không được vượt quá mức ồn tối đa cho phép quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Bộ Giao thông vận tải về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

- Thể tích làm việc của động cơ được ghi nhận theo trị số thể hiện trong tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật hoặc ê tơ két gắn trên động cơ hoặc các thông tin của nhà sản xuất. Trường hợp tài liệu kỹ thuật không thể hiện trị số này hoặc có nghi vấn về trị số thể hiện trong tài liệu kỹ thuật thì thể tích làm việc của động cơ được ghi nhận theo kết quả đo thể tích làm việc thực tế của động cơ.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc kiểm tra động cơ đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Thông tư 31/2011/TT-BGTVT. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào