Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức, viên chức Bộ Tư pháp
Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức, viên chức Bộ Tư pháp được quy định tại Điều 5 Quy chế thực hiện chế độ nâng bậc lương đối với công, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 3466/QĐ-BTP năm 2014, theo đó:
Điều kiện, tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên, thời gian được tính hoặc không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên, thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên, việc tính lại các chế độ về nâng bậc lương thường xuyên được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ). Cụ thể như sau:
Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Trên đây là tư vấn về các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức, viên chức Bộ Tư pháp. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 3466/QĐ-BTP năm 2014. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật