Hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới được xây dựng ra sao?
Ngày 25/6/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Biên giới quốc gia. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; bảo đảm ngân sách cho xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới và trách nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, hoạt động xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 12 Nghị định 140/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới phải thường xuyên được củng cố, xây dựng vững mạnh theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt các chức năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng khu vực biên giới và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
2. Đội ngũ cán bộ cơ sở ở khu vực biên giới được tuyển chọn, bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là dân tộc ít người và cán bộ ở miền xuôi lên công tác lâu dài ở khu vực biên giới.
3. Bộ Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở từng khu vực biên giới trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về hoạt động xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm các quy định cụ thể tại Nghị định 140/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật