Đường ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế là gì?
Ngày 25/6/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Biên giới quốc gia. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; bảo đảm ngân sách cho xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới và trách nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, đường ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền về kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 140/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Đường ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền về kinh tế là đường mà mỗi điểm cách đều điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 200 hải lý.
Cũng theo quy định này, đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải là đường mà mỗi điểm cách đều điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 24 hải lý.
Đường ranh giới phía ngoài thềm lục địa là bờ ngoài của rìa lục địa. Nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải chưa đến 200 hải lý thì ranh giới phía ngoài của thềm lục địa nơi đó mở rộng ra 200 hải lý.
Ở những nơi vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa Việt Nam có liên quan với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của nước láng giềng, đường ranh giới phía ngoài của các vùng đó được xác định theo Điều ước quốc tế ký kết giữa Việt Nam và nước láng giềng đó.
Đường ranh giới phía ngoài của vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa được xác định, đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về đường ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền về kinh tế. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm các quy định cụ thể tại Nghị định 140/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật