Ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông
Ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông được quy định tại Điều 24 Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông, cụ thể như sau:
- Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông:
+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng các phương án và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng, chống, ứng phó sự cố môi trường nước do mình gây ra;
+ Khi xảy ra sự cố môi trường nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường nước ngoài, việc bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm bồi thường để khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái trước mắt và phục hồi, cải tạo môi trường về lâu dài.
+ Trong trường hợp xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng địa phương có trách nhiệm phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra, xác định rõ nguồn gốc, cơ sở, cá nhân gây sự cố; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng môi trường nước lưu vực sông, các thiệt hại do sự cố gây ra để có căn cứ yêu cầu cơ sở, cá nhân gây sự cố bồi thường thiệt hại.
- Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông xuyên quốc gia:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý và thông báo kịp thời Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan tại quốc gia xảy ra sự cố môi trường nước xuyên quốc gia để tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả phù hợp với cam kết, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên đây là nội dung câu trả lời về ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Nghị định 120/2008/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật