Nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

Nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Qua một số bài viết và phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, Nhà nước vừa ban hành quy định mới về hoạt động vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt, trong đó có đề cập đến hoạt động quản lý hàng hóa, hành khách đi tàu, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, theo quy định này thì doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt có nghĩa vụ gì? Tôi có thể tham khảo thêm vấn đề này tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!  Thu Uyên (uyen***@gmail.com)

Từ ngày 01/7/2018, Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 33 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:

1. Niêm yết tại ga, trạm đường sắt, các điểm bán vé tàu và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp những thông tin sau:

a) Giờ tàu, giá vé hành khách, hành lý ký gửi trước thời điểm áp dụng, kế hoạch bán vé. Đối với các tàu bán vé bằng hệ thống điện tử phải thông báo số chỗ còn cho hành khách;

b) Hàng hóa là hành lý ký gửi bị nghiêm cấm trong hoạt động vận tải đường sắt;

c) Hàng hóa là hành lý xách tay không được mang theo người;

d) Hàng hóa là hành lý ký gửi phải thực hiện theo quy định của Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Đường sắt;

đ) Chủng loại hàng hóa, khối lượng, kích thước tối đa cho phép của hành lý xách tay được vận chuyển miễn phí; quy cách đóng gói hành lý;

e) Chủng loại hàng hóa, khối lượng, số lượng tối đa nhận vận chuyển hành lý ký gửi tùy theo loại tàu và tuyến đường;

g) Các quy định của doanh nghiệp về trách nhiệm phục vụ hành khách đi tàu và các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện Thông tư này; các quy định của doanh nghiệp về vận tải hành khách, hành lý phải phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Có biện pháp kiểm tra, kiểm soát hành khách, hành lý trên tàu, dưới ga để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trên tàu, dưới ga và trong suốt quá trình vận chuyển.

3. Khi tàu khách đi, đến ga chậm giờ theo lịch trình, đại diện của doanh nghiệp, Trưởng tàu phải thông báo kịp thời cho hành khách biết.

4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về số liệu thống kê công tác vận tải hành khách, hành lý do doanh nghiệp thực hiện gửi Cục Đường sắt Việt Nam để báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Tổ chức OSJD; quy định của Nghị định thư hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc hàng năm.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Đường sắt.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kinh doanh vận tải đường sắt

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào