Quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng đường sắt

Quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hưng Yên. Qua một số bài viết và phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, Nhà nước vừa ban hành quy định mới về hoạt động vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt, trong đó có đề cập đến hoạt động quản lý hàng hóa, hành khách đi tàu, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, theo quy định này thì doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt có quyền gì? Tôi có thể tham khảo thêm vấn đề này tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào! Đường Bích Thảo (thao***@yahoo.com)

Từ ngày 01/7/2018, Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 32 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:

1. Yêu cầu người đi tàu, hành khách, người gửi hành lý ký gửi mua vé bổ sung khi không có vé hoặc vé không hợp lệ.

2. Được quyền từ chối, đình chỉ vận chuyển hành khách, hành lý ký gửi đã có vé trong các trường hợp sau đây:

a) Người đi tàu, hành khách, người gửi hành lý ký gửi không thực hiện yêu cầu mua vé bổ sung theo quy định tại khoản 1 của Điều này;

b) Hành khách đi tàu không chấp hành các quy định tại Thông tư này, nội quy đi tàu và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trẻ em từ đủ 10 tuổi trở xuống (nếu không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,32 m) mà không có người lớn đi kèm;

d) Người say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm, người có bệnh tật mà bác sỹ chỉ định không di chuyển hoặc xét thấy có thể nguy hiểm đến bản thân người đó khi đi tàu (trừ trường hợp có người đi cùng trông nom và người có bệnh truyền nhiễm đã được cách ly an toàn);

đ) Do nguyên nhân bất khả kháng hoặc phải vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt theo mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền như phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, an ninh, quốc phòng.

3. Các dịp cao điểm lễ, tết, hè khi mà nhu cầu vận tải hành khách tăng cao, thì doanh nghiệp được phép sắp xếp thêm ghế phụ và chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi để vận chuyển hành khách trên toa xe. Trong trường hợp này cần đảm bảo các điều kiện sau đây: không được phép vượt quá tải trọng cho phép của toa xe, tải trọng cầu đường và đảm bảo chất lượng phục vụ, thuận tiện, an toàn cho hành khách, an toàn chạy tàu; công bố công khai phương án bán ghế phụ, chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi trước khi bán vé cho hành khách.

4. Thực hiện các quyền khác theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Đường sắt.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kinh doanh vận tải

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào