Tàu hỏa bị tắc đường tại ga đi giải quyết như thế nào?
Từ ngày 01/7/2018, Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, cách thức giải quyết trường hợp tàu hỏa bị tắc đường tại ga đi là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:
a) Hành khách có quyền từ chối đi tàu và yêu cầu doanh nghiệp trả lại toàn bộ tiền đã được ghi trên vé;
b) Trường hợp hành khách chấp nhận chờ để đi tàu, doanh nghiệp phải bố trí để hành khách được đi tàu sớm nhất.
Cũng theo quy định này, trường hợp tắc đường trên đường vận chuyển thì sự cố tắc đường được giải quyết như sau:
a) Nếu hành khách muốn trở về ga đi, doanh nghiệp phải bố trí đưa hành khách trở về bằng chuyến tàu đầu tiên và hành khách không phải trả tiền vé. Khi trở về, hành khách có thể xuống một ga dọc đường nếu tàu có đỗ. Doanh nghiệp phải trả lại tiền vé cho hành khách trên đoạn đường từ ga hành khách xuống tàu đến ga đến ghi trên vé;
b) Trường hợp hành khách xuống tàu tại ga có đỗ và yêu cầu trả lại tiền vé thì doanh nghiệp phải trả lại tiền vé đối với đoạn đường mà hành khách chưa đi;
c) Trường hợp hành khách chờ đợi ở ga mà tàu phải đỗ lại để chờ đi tiếp, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: Ăn, uống miễn phí cho hành khách trong suốt thời gian chờ đợi ở ga;
d) Trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức chuyển tải, thì doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho hành khách như quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Thời hạn hoàn trả tiền vé không quá 30 ngày, kể từ ngày hành khách xuống tàu.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về cách thức giải quyết trường hợp tàu hỏa bị tắc đường tại ga đi. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật