Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được tổ chức xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì việc tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được quy định cụ thể bao gồm:
- Đối với việc xử lý theo hình thức chuyển giao tài sản cho các cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 29/2018/NĐ-CP thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản thực hiện chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành.
+ Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải lập thành biên bản theo Mẫu số 02-BBBQ tại Phụ lục kèm theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP.
+ Hồ sơ chuyển giao tài sản gồm:
++ Biên bản bàn giao tài sản quy định tại điểm b khoản này: 01 bản chính;
++ Quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản: 01 bản sao;
++ Phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt: 01 bản sao;
++ Giấy chứng nhận kết quả giám định tài sản (đối với trường hợp phải giám định tài sản): 01 bản sao;
++ Bảng kê chi tiết về tài sản: 01 bản chính;
++ Tài liệu khác về tài sản (nếu có).
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện bảo quản, quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Đối với việc xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản chủ trì, phối hợp với cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp thực hiện chuyển giao tài sản và các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận.
+ Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành biên bản theo Mẫu số 03-BBCG tại Phụ lục kèm theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP.
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận chuyển giao tài sản thực hiện hạch toán tăng tài sản và thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp thì phải thực hiện ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Đối với việc xử lý theo hình thức bán (đấu giá, chỉ định hoặc niêm yết giá), tiêu hủy tài sản thì cơ quan được giao chủ trì xử lý thực hiện việc bán, tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
- Đối với việc bán đấu giá tài sản là di vật, cổ vật tại nước ngoài được thực hiện như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bán đấu giá di vật, cổ vật tại nước ngoài.
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép xuất khẩu di vật, cổ vật bán đấu giá tại nước ngoài theo quy định của pháp luật.
+ Thủ tục xuất khẩu di vật, cổ vật thực hiện theo quy định của pháp luật.
+ Cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản Việt Nam hoặc nước ngoài để ủy thác bán đấu giá tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản xem xét, quyết định đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
++ Có kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bán đấu giá các tài sản tương tự;
++ Có phương án tổ chức bán đấu giá có hiệu quả;
++ Có tỷ lệ (%) chi phí bán đấu giá thấp;
++ Có phương án xử lý khả thi trong trường hợp di vật, cổ vật đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không bán được (cam kết mua lại, chịu chi phí vận chuyển số cổ vật, di vật không bán được về Việt Nam v.v...).
Trường hợp có nhiều tổ chức có chức năng bán đấu giá đăng ký tham gia thì việc lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
+ Hợp đồng ủy thác bán đấu giá:
Hợp đồng ủy thác bán đấu giá tài sản phải được lập theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, trường hợp pháp luật Việt Nam không quy định hoặc quy định khác với pháp luật quốc tế thì thực hiện theo pháp luật quốc tế; có cam kết cụ thể, chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các bên có liên quan; có quy định về giải quyết tranh chấp. Các công việc được ủy thác bao gồm: Đóng gói, vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, vận chuyển từ nơi bảo quản đến nơi bán đấu giá, mua bảo hiểm cho hiện vật mang đi bán đấu giá, bảo quản tài sản tại nước ngoài, quảng bá, tổ chức bán đấu giá, xử lý tài sản trong trường hợp không bán được.
Cơ quan được giao nhiệm vụ ký Hợp đồng ủy thác bán đấu giá chịu trách nhiệm về nội dung của Hợp đồng; trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp trước khi ký Hợp đồng.
- Đối với việc xử lý tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện chuyển tài sản là tiền Việt Nam, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với tài sản là ngoại tệ thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản nộp vào tài khoản ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ số ngoại tệ trên để chuyển nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo quy định.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phương án xử lý tài sản được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị chủ trì quản lý tài sản thực hiện đổi giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt và nộp vào Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp giấy tờ có giá không đủ điều kiện chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước để lưu giữ, bảo quản.
- Đối với việc xử lý tài sản theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thì việc thực hiện ghi tăng vốn được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật