Chế độ tử tuất đối với thân nhân của quân nhân, công an nhân dân chết mà trước đó có thời gian đóng BHXH tự nguyện
Chế độ tử tuất đối với thân nhân của quân nhân, công an nhân dân chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 13 Nghị định 33/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân như sau:
Chế độ tử tuất đối với thân nhân của người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội, được quy định như sau:
1. Thời gian tính hưởng chế độ tử tuất là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời Điểm người lao động chết thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động có tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên;
c) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian Điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
3. Người lao động quy định tại Điểm a, b và d Khoản 2 Điều này nếu bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời Điểm Tòa án tuyên bố là đã chết.
4. Người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì thân nhân đủ Điều kiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, mức trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên;
Trường hợp người lao động còn thiếu tối đa không quá 06 tháng để đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thân nhân có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trước khi chết.
b) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian Điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
d) Đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.
5. Thân nhân của người lao động bị chết được hưởng trợ cấp tuất một lần thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động chết không thuộc quy định tại Khoản 4 Điều này;
b) Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này nhưng không có hoặc không còn thân nhân đủ Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
6. Mức trợ cấp tuất một lần
a) Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chết thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định này;
b) Người đang hưởng lương hưu mà chết thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nếu chết thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần như đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
d) Người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nếu chết thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần 03 tháng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang hưởng.
7. Giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân là thành viên khác và trợ cấp tuất một lần được thực hiện như sau:
a) Thân nhân là thành viên khác trong gia đình quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 18 tuổi được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho đến khi đủ 18 tuổi, không cần Điều kiện bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người lao động chết mà không có thân nhân theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế;
c) Người lao động chết, thuộc trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần, nếu có nhiều thân nhân thì các thân nhân phải có biên bản thống nhất cử người đại diện nhận trợ cấp.
Trên đây là nội dung quy định về chế độ tử tuất đối với thân nhân của quân nhân, công an nhân dân chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 33/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật