Khi nào thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết?
Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật dân sự 2015 thì việc hủy bỏ quyết định tuyên bố chết được quy định cụ thể như sau:
- Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
- Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:
+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật dân sự 2015 thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
- Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình.
- Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Căn cứ quy định mà Ban biên tập đã trích dẫn trên đây thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan khi người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố chết. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ luật dân sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật