Cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện những quyền gì?
Ngày 23/11/2009, Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thay đổi quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động.
Quyền của cơ sở khám, chữa bệnh là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 52 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009. Cụ thể bao gồm:
1. Được thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế được khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để lao động, học tập, làm việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe của mình.
2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động nhưng phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
3. Được thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
4. Được hưởng chế độ ưu đãi khi thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định này, việc khám sức khỏe được hướng dẫn bởi Thông tư 14/2013/TT-BYT.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về quyền của cơ sở khám, chữa bệnh. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo quy định cụ thể tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật