Chế độ kỷ luật học viên cơ sở cai nghiện bắt buộc
Chế độ kỷ luật học viên cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định tại Khoản 9 Điều 10 Thông tư 14/2014/TT-BLĐTBXH về biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, theo đó:
a) Học viên vi phạm quy chế của cơ sở cai nghiện bắt buộc bị xem xét, kỷ luật bằng một trong các hình thức sau:
- Phê bình: áp dụng đối với trường hợp vi phạm quy chế của cơ sở cai nghiện bắt buộc đã bị cán bộ quản lý nhắc nhở hai lần trong tháng.
- Cảnh cáo: áp dụng đối với trường hợp đã bị phê bình mà vẫn vi phạm quy chế của cơ sở cai nghiện bắt buộc trong 03 tháng tiếp theo tính từ thời điểm bị phê bình nhưng chưa đến mức độ áp dụng hình thức giáo dục tại phòng kỷ luật;
- Giáo dục tại phòng kỷ luật: áp dụng đối với trường hợp hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như xâm hại sức khỏe người khác, gây rối trật tự tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, chống người thi hành công vụ, trốn hoặc tổ chức trốn khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời gian giáo dục tại phòng kỷ luật tối đa là 05 ngày cho 01 lần quyết định.
b) Cán bộ quản lý học viên có trách nhiệm lập biên bản hành vi vi phạm, gửi cho cán bộ phụ trách tổ hoặc đội. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được biên bản vi phạm, cán bộ phụ trách tổ hoặc đội yêu cầu người vi phạm viết bản tự kiểm điểm và họp xét kỷ luật. Việc họp xét kỷ luật phải được lập biên bản có chữ ký của cán bộ phụ trách tổ hoặc đội.
c) Hồ sơ đề nghị kỷ luật gồm:
- Phiếu theo dõi đánh giá học viên của người bị đề nghị kỷ luật;
- Biên bản vi phạm;
- Biên bản họp xét kỷ luật học viên của tổ hoặc đội.
Trên đây là tư vấn về chế độ kỷ luật học viên cơ sở cai nghiện bắt buộc. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 14/2014/TT-BLĐTBXH. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật