Việc chuyển giao hàng hóa cho bên đại lý theo hợp đồng đại lý có làm mất quyền sở hữu của bên giao đại lý đối với hàng hóa đó không?
Theo quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 thì khái niệm đại lý thương mại được quy định cụ thể như sau:
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Điều 169 Luật Thương mại 2005 quy định về các hình thức đại lý thương mại được quy định cụ thể như sau:
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Điều 170 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền sở hữu trong đại lý thương mại như sau: Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Căn cứ quy định mà Ban biên tập đã trích dẫn trên đây thì việc chuyển giao tài sản, tiền cho bên đại lý theo hợp đồng đại lý thương mại không làm mất đi quyền sở hữu của bên giao đại lý đối với hàng hóa, số tiền đó. Bên giao đại lý vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa, tiền đã giao cho bên đại lý theo hợp đồng đại lý thương mại.
Trên đây là nội dung tư vấn về các hình thức đại lý thương mại. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Thương mại 2005.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật