Trích lập dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị
Theo quy định tại Điều 32 Thông tư 135/2012/TT-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập dự phòng nghiệp vụ như sau:
a) Dự phòng toán học, bao gồm:
- Dự phòng rủi ro bảo hiểm: là số lớn hơn giữa mức dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng hoặc dự phòng tính theo phương pháp dòng tiền để đáp ứng được tất cả các khoản chi phí trong tương lai trong suốt thời hạn của hợp đồng.
- Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết đơn vị là tổng số các khoản sau:
+ Tổng số các đơn vị đầu tư của bên mua bảo hiểm tại ngày định giá nhân với giá mua của đơn vị quỹ tại ngày định giá;
+ Tổng số phí bảo hiểm đã nhận được từ bên mua bảo hiểm tại ngày định giá sau khi trừ đi các khoản phí tính cho bên mua bảo hiểm mà phần còn lại này dùng để mua các đơn vị quỹ nhưng chưa được thực hiện.
b) Dự phòng bồi thường: được trích theo phương pháp từng hồ sơ với mức trích lập được tính trên cơ sở thống kê số tiền bảo hiểm phải trả cho từng hồ sơ đã yêu cầu đòi bồi thường doanh nghiệp bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
c) Dự phòng bảo đảm khả năng thanh toán bổ sung (resilience reserve): Dự phòng này dùng để bảo đảm cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm khi thị trường đầu tư có biến động lớn;
d) Các dự phòng khác sau khi được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính.
2. Chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xác định phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ phù hợp với các nguyên tắc và phương pháp tính toán được thừa nhận rộng rãi theo thông lệ quốc tế.
Trên đây là nội dung tư vấn về Trích lập dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 135/2012/TT-BTC.
Trân trọng!