Phương pháp thu thập, tính toán số liệu trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị

Phương pháp thu thập, tính toán số liệu trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Minh Toàn, tôi sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Ban biên tập cho tôi hỏi: Phương pháp thu thập, tính toán số liệu trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị được quy định như thế nào? Có văn bản nào quy định về vấn đề này không? Tôi hy vọng sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (toan***@gmail.com)

Căn cứ theo Mục 5 Phụ lục 3 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 thì phương pháp thu thập, tính toán số liệu trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị được quy định như sau:

5.1. Nhóm các tiêu chuẩn đánh giá cho khu vực nội thành, nội thị áp dụng đối với các công trình khu vực nội thành, nội thị đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động, tuân thủ quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.

5.1.1. Các tiêu chuẩn về công trình hạ tầng xã hội

(1) Diện tích sàn nhà ở bình quân được tính theo công thức sau:

Diện tích sàn nhà ở bình quân (m2/người) = [Tổng diện tích sàn nhà ở khu vực nội thành, nội thị (m2)/Dân số khu vực nội thành, nội thị (người)]

(2) Tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố được tính theo công thức sau:

Tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố (%) = [Tổng số nhà kiên cố, bán kiên cố (nhà)/Tổng số nhà (nhà)] x 100

(3) Đất dân dụng bao gồm: đất ở, đất công trình công cộng, đất cây xanh, thể dục thể thao công cộng và đất giao thông đô thị (không bao gồm đất giao thông đối ngoại).

(4) Đất xây dựng các công trình công cộng dịch vụ đô thị (y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, thương mại và các công trình dịch vụ đô thị khác).

(5) Số giường bệnh các cơ sở y tế bao gồm: số giường bệnh tại các trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các cấp (không bao gồm trạm y tế xã).

(6) Cơ sở giáo dục, đào tạo cấp đô thị bao gồm: đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

(7) Công trình văn hóa cấp đô thị bao gồm: thư viện, bảo tàng, triển lãm, nhà hát, rạp xiếc, cung văn hóa, cung thiếu nhi và các công trình văn hóa khác.

(8) Công trình thể dục, thể thao cấp đô thị bao gồm: sân thể thao, sân vận động, trung tâm thể dục, thể thao, nhà thi đấu, bể bơi,...

(9) Công trình trung tâm thương mại, dịch vụ bao gồm: chợ, siêu thị...

5.1.2. Các tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật

(1) Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt trung bình được tính theo công thức sau: 

Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt trung bình (lít/người/ngày.đêm) = (Tổng số lít nước được sử dụng trung bình trong 1 ngày đêm/Dân số khu vực nội thành, nội thị)

(2) Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh được tính theo công thức sau:

Tỷ lệ hộ dân được cấp nướcsạch, hợp vệ sinh (%) = (Số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh/Số hộ dân khu vực nội thành, nội thị) x 100

5.1.3. Các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường

(1) Đô thị loại đặc biệt, loại I chỉ đạt điểm tối đa khi bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định và phải có khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

(2) Nhà tang lễ có thể kết hợp với nghĩa trang, công trình bệnh viện, cơ sở tôn giáo song phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh, môi trường theo quy định.

(3) Đất cây xanh đô thị bao gồm: đất cây xanh sử dụng công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo..., tính cả diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công trình này và diện tích đất cây sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, thư giãn...); đất cây xanh đường phố tính từ tuyến đường cấp phân khu vực trở lên (cây xanh, thảm cỏ trồng trong phạm vi chỉ giới đường đỏ); đất cây xanh chuyên dụng (cây xanh cách ly, phòng hộ, nghiên cứu thực vật học, vườn ươm...), không bao gồm diện tích đất cây xanh tại khu vực cơ quan, xí nghiệp.

(4) Đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị bao gồm: công viên, vườn hoa phục vụ một hay nhiều đơn vị ở, toàn đô thị hoặc cấp vùng (tính cả các công viên chuyên đề), không bao gồm diện tích đất cây xanh chuyên dụng.

Diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công viên, vườn hoa, khi quy đổi ra chỉ tiêu đất cây xanh tính trên người không chiếm quá 50% so với tổng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị.

5.1.4. Các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị

(1) Tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị khi bảo đảm các tiêu chuẩn: văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và an toàn giao thông.

(2) Không gian công cộng của đô thị bao gồm: không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn hóa, quảng trường, khu vực đi bộ (được tổ chức là không gian mở, có điểm vui chơi, giải trí phục vụ đời sống tinh thần của dân cư đô thị).

(3) Công trình kiến trúc tiêu biểu là công trình lịch sử văn hóa, di sản, danh thắng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

5.2. Nhóm các tiêu chuẩn đánh giá cho khu vực ngoại thành, ngoại thị

(1) Áp dụng đối với các công trình đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động.

(2) Các tiêu chuẩn tính bằng tỷ lệ % so với chuẩn chỉ tiêu chung của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Trên đây là nội dung quy định về phương pháp thu thập, tính toán số liệu trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào