Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công của doanh nghiệp nhà nước
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công của doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 19 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công, cụ thể như sau:
1. Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quản lý, sử dụng như sau:
a) Trường hợp tài sản trên đất đã được giao vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước được sử dụng số tiền bán tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
b) Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất đã được giao vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhà nước được sử dụng số tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng đất khi giao vốn và thời hạn sử dụng đất còn lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
c) Các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản này, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;
d) Việc xác định giá trị tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng sử dụng đất đã được giao vốn cho doanh nghiệp được căn cứ vào văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền về việc giao vốn cho doanh nghiệp. Tiền bán tài sản trên đất trong giá trúng đấu giá là giá trị của tài sản trên đất trong giá khởi điểm để đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tiền thanh toán của người mua theo quy định tại khoản 9 Điều 11 Nghị định này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm nộp tiền bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tài khoản tạm giữ do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công làm chủ tài khoản tại Sở Giao dịch Kho bạc nhà nước (đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý, trừ doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); tài khoản tạm giữ do Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính - Bộ Công an làm chủ tài khoản tại Sở Giao dịch Kho bạc nhà nước (đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý); tài khoản tạm giữ do Sở Tài chính làm chủ tài khoản tại Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý). Tài khoản tạm giữ được theo dõi chi tiết đối với từng doanh nghiệp nhà nước có tài sản bán.
3. Thanh toán chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
a) Nội dung chi và mức chi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định này. Trường hợp doanh nghiệp có chi phí đầu tư vào đất thì được thanh toán chi phí đầu tư vào đất còn lại trên cơ sở sổ kế toán, hồ sơ, chứng từ gốc hoặc hợp đồng kinh tế, hợp đồng giao khoán, thực tế chứng minh và được xác định bằng tổng chi phí hợp lý đầu tư vào đất trừ đi số tiền đã phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Việc tập hợp chi phí, thẩm định chi phí, văn bản đề nghị thanh toán chi phí và cấp tiền thanh toán chi phí thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
4. Định kỳ hàng quý, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền còn lại đối với các khoản thu từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn thành việc thanh toán chi phí vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý), ngân sách địa phương (đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Số tiền nộp ngân sách nhà nước được sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan để chi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ý kiến của chủ tài khoản tạm giữ quy định tại khoản 2 Điều này về nguồn tiền sử dụng cho dự án đầu tư phù hợp với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Số tiền được bố trí trong dự toán chi để thực hiện dự án đầu tư không quá 50% số tiền nộp ngân sách nhà nước. Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được bố trí không quá 100% số tiền nộp ngân sách nhà nước và chỉ được chi cho các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đặc biệt quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Việc quản lý, thanh toán và quyết toán nội dung chi quy định tại khoản 5 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện thủ tục ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với số tiền thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
7. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương này.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công của doanh nghiệp nhà nước. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật