Việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2018 thì việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình được quy định cụ thể như sau:
- Sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đó để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số.
- Sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng; chuyển chương trình trong môi trường kỹ thuật số lên sóng.
- Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng.
- Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ tùy thuộc vào thoả thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật