Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 52 Luật tài nguyên nước 2012 thì việc thăm dò, khai thác nước dưới đất được quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân thăm dò nước dưới đất phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước 2012.
- Việc cấp giấy phép khai thác nước dưới đất phải căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước, kết quả điều tra cơ bản, thăm dò nước dưới đất, tiềm năng, trữ lượng nước dưới đất và các quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật tài nguyên nước 2012.
- Hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực sau đây:
+ Khu vực có nguồn nước mặt có khả năng đáp ứng ổn định cho các nhu cầu sử dụng nước;
+ Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;
+ Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;
+ Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;
+ Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.
- Các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm:
+ Hạn chế về đối tượng, mục đích khai thác;
+ Hạn chế về lưu lượng, thời gian khai thác;
+ Hạn chế về số lượng công trình, độ sâu, tầng chứa nước khai thác.
- Chính phủ quy định cụ thể việc thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc thăm dò, khai thác nước dưới đất. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật tài nguyên nước 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật