Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người lao động làm việc trong Bộ Quốc phòng

Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người lao động làm việc trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Văn Phong, có thắc mắc về chế độ Bảo hiểm xã hội muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người lao động làm việc trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! 

Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với người lao động làm việc trong Bộ Quốc phòng được quy định tại Điều 9 Thông tư 181/2016/TT-BQP hướng dẫn hồ sơ quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng, cụ thể như sau:

1. Đối với lao động nữ (bao gồm cả lao động nữ mang thai hộ) đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai là giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính) đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

2. Đối với lao động nữ đang đóng BHXH sinh con hoặc đối với chồng, người nuôi dưỡng trong trường hợp người mẹ chết hoặc con chết sau khi sinh hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con, trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Trường hợp con chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

c) Trường hợp mẹ chết ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ;

d) Trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai;

đ) Trường hợp người mẹ sau khi sinh con không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

3. Đối với người lao động đang làm việc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, hồ sơ là giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cấp có thẩm quyền.

4. Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh con hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH, hồ sơ gồm:

a) Hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này;

b) Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật.

5. Đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

c) Trường hợp con chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của lao động nữ mang thai hộ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

d) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sau khi sinh bị chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử;

đ) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ phải nghỉ việc để dưỡng thai, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc phải nghỉ việc để dưỡng thai.

6. Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con, trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

c) Trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử;

d) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ;

đ) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không đủ sức khỏe để chăm sóc con, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

7. Đối với lao động nam khi vợ sinh con (trong trường hợp chỉ có người cha tham gia BHXH), hồ sơ thực hiện như hướng dẫn tại Điểm a, b, c, đ Khoản 2 Điều này.

8. Ngoài hồ sơ hướng dẫn tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách (Mẫu số C70a-HD).

9. Đối với người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi, hồ sơ gồm: Sổ BHXH và hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6 Điều này.

Trên đây là nội dung câu trả lời về hồ sơ, số hồ sơ hưởng chế độ BHXH và sổ BHXH đối với người lao động làm việc trong Bộ Quốc phòng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 181/2016/TT-BQP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Quốc phòng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào