Doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động bị xử lý ra sao?

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động bị xử lý ra sao? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Ngọc Hải, tôi sinh sống và làm việc tại Tp. HCM. Tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Ban biên tập cho tôi hỏi: Doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động bị xử lý ra sao? Và mức xử phạt là bao nhiêu? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (0939***)

Căn cứ theo Khoản 4; Điểm a Khoản 7 và Điểm b Khoản 8 Điều 9 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động sẽ bị xử phạt như sau:

4. Phạt tiền doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi: Trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; trả lương và các chế độ khác cho người lao động thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên thuê lại lao động; thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động theo một trong các mức sau đây: (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP)

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

...

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;

8. Biện pháp khắc phục hậu quả: (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP)

...

b) Buộc doanh nghiệp cho thuê lại lao động trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này;

Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động) có thể sẽ bị phạt tiền tùy thuộc vào số lượng người lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động, tối thiểu là 10.000.000 đồng và tối đa là 100.000.000 đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng và sẽ bị buộc trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động.

Trên đây là nội dung quy định về hình thức xử phạt doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào