Siêu ủy ban (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) là gì?
Ngày 03/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP năm 2018 về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, khái niệm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay còn gọi là Siêu ủy ban là khái niệm trọng tâm và được định nghĩa tại Điều 1 Nghị quyết 09/NQ-CP năm 2018. Cụ thể như sau:
Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định này thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Siêu ủy ban” được thiết kế là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Một trong những vai trò của “Siêu ủy ban” này là giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước,...
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về khái niệm Siêu ủy ban hay Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bạn có thể đọc thêm tại Nghị quyết 09/NQ-CP năm 2018 để nắm rõ hơn thuật ngữ này. Chi tiết về cơ cấu tổ chức và hoạt động cụ thể của Siêu ủy ban, mời bạn tham khảo trong những bài viết tiếp theo của Ngân hàng Pháp luật.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật