Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã vi phạm được quy định như thế nào?
Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã vi phạm được quy định tại Mục 6 Phần II Thông tư 03/2007/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật công chức cấp xã, cụ thể như sau:
- Hội đồng kỷ luật có số lượng là 3 hoặc 5 thành viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thành lập. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Thành phần và quy chế hoạt động cụ thể của Hội đồng kỷ luật thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP.
- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật và các thành phần mời tham gia dự họp Hội đồng kỷ luật thực hiện như quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Ngoài ra nếu công chức cấp xã vi phạm kỷ luật trong nhiệm kỳ trước, nay nhiệm kỳ mới thay đổi người lãnh đạo thì Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã có thể mời người lãnh đạo nhiệm kỳ trước tham dự cuộc họp Hội đồng kỷ luật.
- Người có quan hệ gia đình với công chức cấp xã vi phạm kỷ luật nói tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP không được tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật bao gồm:
+ Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật công nhận;
+ Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);
+ Vợ hoặc chồng của người vi phạm;
+ Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật công nhận;
+ Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật công nhận.
Trên đây là nội dung câu trả lời về hội đồng kỷ luật công chức cấp xã vi phạm. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 03/2007/TT-BNV.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật