Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp là gì?
Theo quy định tại Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp 2009 thì nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp được quy định cụ thể như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
- Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
- Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp;
+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp;
+ Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
+ Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp;
+ Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
+ Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp;
+ Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp;
+ Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp;
+ Định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp;
+ Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương;
+ Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
+ Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
+ Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Lý lịch tư pháp 2009.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật