Thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại được quy định như thế nào?
Thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại được quy định tại Điều 95 Luật thi hành án hình sự 2010, cụ thể như sau:
- Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại. Hồ sơ gồm có:
+ Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
+ Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế;
+ Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
+ Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt quản chế;
+ Tài liệu khác có liên quan.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại có trụ sở.
Trên đây là nội dung câu trả lời về thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật thi hành án hình sự 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật